Thiết kế Revenge (lớp thiết giáp hạm)

Các tàu chiến trong lớp Revenge chậm và nhỏ hơn so với những thiết giáp hạm trong lớp Queen Elizabeth dẫn trước. Cho dù trong một số tài liệu chúng được gọi là "lớp Royal Sovereign", như trong "Jane's Fighting Ships", ấn bản 1931, các tài liệu chính thức trong Thế Chiến I cho thấy rõ lớp tàu này được gọi là lớp Revenge. Chúng được vạch kế hoạch một phần là do sự lo ngại việc lớp Queen Elizabeth phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu dầu đốt, điều đầu tiên đối với một lớp thiết giáp hạm thế hệ dreadnought của Anh. Vào lúc đó, dầu chỉ có thể có được từ các nguồn ở nước ngoài, trong khi than chất lượng cao thì sẵn có ngay tại quần đảo Anh Quốc, và có thể có khả năng là nguồn cung cấp dầu sẽ bị gián đoạn trong thời chiến, giới hạn sự hữu ích của năm chiếc Queen Elizabeth. Để đáp ứng các mối lo ngại này, lớp Revenge được thiết kế để có thể sử dụng cả than và dầu làm nguồn nhiên liệu.

Chúng cũng được thiết kế rẻ tiền hơn so với lớp Queen Elizabeth. Điều này có thể đạt được bằng cách giảm kích thước và trang bị động cơ yếu hơn. Thiết kế một ống khói mỏng làm cho chúng dễ phân biệt so với hai ống khói của Queen Elizabeths (sau này được gom thành một ống khói dày sau khi được tái trang bị vào những năm giữa hai cuộc thế chiến). Vỏ giáp của chúng rất khác biệt: lớp sàn bọc thép được nâng lên cao hơn, và lớp vỏ hông rộng rãi hơn với độ dày tối đa lên đến 330 mm (13 inch). Cách bố trí như vậy được chọn, là vì khi lớp Revenge được thiết kế, người ta vẫn tin là mọi cuộc đối đầu giữa hai hạm đội chủ yếu vẫn xảy ra ở tầm ngắn nên mối đe dọa chủ yếu là hải pháo bắn trực tiếp vào mạn tàu hơn là hải pháo tầm xa đâm xuyên vào sàn tàu. Hơn nữa, thay đổi về sơ đồ vỏ giáp cũng là một biện pháp tiết kiệm chi phí. Lớp Queen Elizabeth có những tấm giáp thép được vuốt nhọn phía trên và phía dưới đai giáp, là những tấm vuốt nhọn như thế rất đắt tiền để chế tạo. Nhìn chung, đó có thể là một sơ đồ bọc thép hiệu quả, nhưng những sự phát triển về kỹ thuật hải pháo và chiến thuật hải quân khiến cho chúng trở nên lạc hậu, mà không may thay lại xảy ra hầu như ngay sau khi chúng được đưa vào hoạt động, và cuối cùng lại không cho phép thực hiện những nâng cấp cần thiết do sự phát triển của vũ khí trong giai đoạn Thế Chiến II.

Phù hợp với thông lệ vào thời đó, lớp Revenge được trang bị dàn pháo hạng hai 152 mm (6 inch). Cỡ pháo hạng nặng hơn được dự tính để đối đầu cùng các lớp tàu khu trục lớn hơn được đưa vào hoạt động, nhưng tronbg thực tế chúng tỏ ra quá nặng không thực tiễn trong việc chống lại các tàu nhẹ. Hơn nữa, vị trí thấp của chúng khiến hầu hết không thể hoạt động khi biển động, một khiếm khuyết tương tự như của các thiết giáp hạm thuộc lớp Iron Duke và Queen Elizabeth.

Khiếm khuyết lớn nhất của lớp tàu này là đã giảm độ ổn định một cách có chủ định để con tàu có thể nghiêng chậm nhằm tác xạ dễ dàng hơn; nhưng điều này làm cho chúng hầu như không thể nâng cấp. Thêm nữa, không thể trang bị cho chúng hệ thống động lực mới hơn một cách kinh tế vào cuối quãng đời hoạt động. Đai giáp chống ngư lôi được trang bị đủ để bảo vệ khỏi sự tấn công của ngư lôi vào thời đó, nhưng với sự gia tăng sức mạnh của đầu đạn ngư lôi, chúng đã không đủ sưc bảo vệ Royal Oak khi nó bị trúng ngư lôi vào năm 1939. Do có kích thước nhỏ khi chiều dài chỉ đạt 190 m (624 ft), các điều kiện bên trong con tàu dành cho thủy thủ đoàn của lớp Revenge tỏ ra khá chật chội so với Queen Elizabeth.